Với tấm lòng bao dung, nhân hậu, cô giáo Hoàng Thị Vỵ (ở thôn Ngòi Khang, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) đã biến mọi nhọc nhằn trở thành niềm vui, hạnh phúc. Cái được lớn nhất với cô là niềm hạnh phúc khi chứng kiến những “bông hoa khuyết cánh” vẫn “tỏa hương” hòa nhập cùng cộng đồng.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, sau khi tốt nghiệp khoa Toán - Lý, trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, cô giáo Hoàng Thị Vỵ tình nguyện đến dạy học ở trường Trung học Cơ sở xã Bảo Ái, xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình khi đó. 32 năm gắn bó với rất nhiều thế hệ học sinh nhưng điều mà cô Vỵ trăn trở nhất đó là những lần tham gia công tác phổ cập giáo dục, chứng kiến những em nhỏ không may bị khuyết tật chưa được đến trường. Từ đó, cô đã tranh thủ ngoài giờ lên lớp học các kỹ năng nuôi dạy, giáo dục trẻ khuyết tật qua sách báo và phương tiện thông tin đại chúng.
Năm 2020, cô về hưu, song nhiệt huyết của một nhà giáo vẫn tràn đầy. Đắn đo, trăn trở nhiều năm, cô quyết tâm mở một lớp học để dạy chữ miễn phí cho các em khuyết tật tại địa phương. Cô xin ý kiến của chính quyền địa phương để mở lớp, chọn hội trường thôn Ngòi Khang làm địa điểm, được mọi người ủng hộ.
Thời gian đầu, cô gặp nhiều khó khăn trong việc gieo hy vọng cho ông, bà, bố, mẹ và chính bản thân của các cháu bị khuyết tật. Cô đã nỗ lực học hỏi các kỹ năng để tiếp xúc trực tiếp với các cháu. Việc đưa được các cháu bị đa khuyết tật đến với lớp học cũng là việc không đơn giản. Trở ngại lớn nhất là động viên để ông, bà, bố, mẹ các cháu đặt niềm tin vào mình. “Vì ít khi giao tiếp với bên ngoài, chưa quen với môi trường đông người nên nhiều em vừa đến lớp đã đứng ra cửa khóc thút thít đòi lên xe về nhà. Tôi phải vận động ông bà, bố mẹ các em đến lớp trực tiếp trong 1, 2 tuần đầu để động viên, an ủi” - cô Vỵ nhớ lại.
Tùy từng thể trạng bệnh của các cháu, cô Vỵ có phương pháp tiếp cận, hỗ trợ riêng. Đối với những cháu có khả năng tiếp thu, cô tìm cách dạy kiến thức, tư vấn kỹ năng tự chăm sóc; những cháu bị bệnh nặng, cô tư vấn cho phụ huynh cách chăm sóc, phòng, chống đuối nước, xâm hại tình dục cho trẻ…
Việc làm của cô cũng đôi khi vấp phải lời ra tiếng vào ác ý nhưng được chồng con ủng hộ và nghĩ đến những đứa trẻ thiếu may mắn đang mong chờ, cô Vỵ bỏ hết ngoài tai để cần mẫn, tận tụy với lựa chọn của mình.
Bằng tình yêu thương và sự quan tâm chăm sóc của cô giáo Vỵ, đến nay, 17 cháu trong lớp học đã có sự thay đổi rõ rệt về kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, có cháu đã biết đọc, biết viết tương đối thành thạo, được đến trường hòa nhập cùng các bạn. Đặc biệt, một cháu bị đa khuyết tật nhưng giờ đã đọc tốt và viết được bằng chân trái.
Không chỉ tâm huyết với lớp học, cô Vỵ còn quan tâm đến những cháu bị bại liệt. Cô đến nhà để dạy chữ, dạy hát cho các cháu, hướng dẫn bố mẹ cách chăm sóc con phù hợp nhất. Đều đặn 2 - 3 buổi học ở lớp mỗi tuần; 2 - 3 lần/tháng đến nhà học sinh bị bại liệt, cô Vỵ đã duy trì lịch hoạt động ấy được 4 năm nay.
Cô Vỵ cho biết, tới đây, nếu được sự đồng ý của lãnh đạo địa phương, cô sẽ là mời một số nhà giáo nghỉ hưu nữa cùng mở rộng mô hình lớp học này để thêm nhiều trẻ em khuyết tật khác được tiếp cận với kiến thức, hay đơn giản hơn là có những niềm vui giản dị cho cuộc sống vốn đã nhiều đau đớn của các em.
Cô giáo Hoàng Thị Vỵ với học trò của mình